CHUYÊN ĐỀ
SÂN KHẤU HOÁ TÁC PHẨM VĂN HỌC CỦA TỔ NGỮ VĂN
Được sự nhất trí của Chi bộ, BGH nhà trường cùng sự đồng hành, giúp đỡ của các giáo viên và học sinh trường THPT Tiền Phong, sáng ngày 25/1/2021 tổ Ngữ Văn tổ chức chuyên đề ngoại khóa “Sân khấu hoá các tác phẩm văn học”. Chuyên đề nhằm giúp học sinh được ôn tập, mở rộng kiến thức và cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của các tác phẩm văn học đã học trong nhà trường, hiểu rõ hơn về những đóng góp của các tác phẩm văn học trong việc bồi dưỡng tâm hồn con người. Chuyên đề còn là nơi tạo dựng môi trường giúp học sinh có cơ hội được giao lưu, học hỏi thông qua việc nghe, nhìn, trao đổi… những hiểu biết của mình về các tác phẩm văn học Tạo ra một sân chơi lành mạnh, sôi nổi và bổ ích, thu hút học sinh tham gia, góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt tập thể, giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc và học tập cho học sinh. Từ đó trân trọng hơn những tác phẩm văn học, thêm tự hào về truyền thống của cha anh trong các cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm và đời sống tâm hồn phong phú của nhân dân trong cuộc sống đời thường.
Nội dung của buổi chuyên đề gồm hai phần chính: Diễn xướng một số tác phẩm văn học dân gian và sân khấu hoá một số tác phẩm văn xuôi hiện đại để tái hiện đời sống tình cảm phong phú, giàu chất nhân văn và cuộc sống lao động, chiến đấu oai hùng của dân tộc ta.
Mở đầu là tiết mục diễn xướng dân gian: hát múa Tát nước đầu đình qua phần thể hiện của các em học sinh lớp 10A1. Tiết mục gửi tới thông điệp: Có nơi đâu trên trái đất này như Việt Nam qua bao nhiêu sóng dập gió vùi vẫn “mát tươi tình bạn” và “ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay”. Phần trình diễn thể hiện được những câu hò điệu hát trong sinh hoạt văn hóa dân gian và chúng đã được “lột xác” để tạo nên một cách đánh giá, cách nhìn nhân sinh mới.
Hoạt cảnh thứ 2 được chuyển thể từ 3 truyện cười: Treo biển, Lợn cưới áo mới, Nhưng nó phải bằng hai mày , đó là những câu chuyện vừa khôi hài mang lại tiếng cười hóm hỉnh, hài hước, mua vui, vừa mang hàm nghĩa phê phán sâu cay mà đối tượng hướng tới chính là bọn quan tham.
Tiếp đến là các “liền chị” tổ Văn biểu diễn làn điệu dân ca quan họ qua tiết mục Vào chùa. Dân ca Quan họ đã "ngấm" vào máu thịt của những người con Kinh Bắc nói riêng, của người dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung trong cả bữa ăn, giấc ngủ, theo trẻ thơ cả khi đến lớp, khi ra đồng chăn trâu, thả diều, thổi sáo, đến cả khi vào chùa... Bài hát đưa chúng ta trở về không gian làng quê với hoạt động tâm linh gần gũi.
Vở hoạt cảnh “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đưa mọi người cùng ngược dòng thời gian trở về những năm tháng đầu tiên khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta. Hỡi ôi! Súng giặc đất rền lòng dân trời tỏ! Gót giày kẻ thù giày xéo lên đất đai, ruộng đồng, mồ mả ông cha. Bởi thế cho nên những người nông dân chất phác suốt đời chỉ biết “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm. Chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ” đã có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức và tình cảm, vùng lên để bảo vệ tấc đất ngọn rau của chính mình.
Trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” được lựa chọn đưa vào chương trình phổ thông để nói lên tình cảnh của nhân dân ta những năm trước cách mạng, người nông dân một cổ hai tròng, lầm than khổ cực nhưng có sức phản kháng quyết liệt và mạnh mẽ trước bọn tay sai của chế đọ phong kiến thực dân. Khi đoạn trích được được sân khấu hóa, việc tiếp nhận văn chương đời hơn, giản dị hơn, gần gũi hơn. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học các em học sinh đặt mình vào nhân vật đó, tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng.
Vở kịch “Vợ nhặt” tái hiện cuộc sống của người nông dân thực sự thay đổi khi có ánh sáng cách mạng soi đường, những người dân nghèo như Tràng và Thị đã nắm tay nhau vượt qua nạn đói khốc nghiệt năm 1945 để mơ về 1 ngày mai tươi sáng. Câu chuyện về 1 người đàn bà bất chấp liêm sỉ ngồi sụp xuống ăn 1 chập 4 bát bánh đúc rồi theo không người đàn ông về làm vợ. Câu chuyện về một người đàn ông vừa nghèo vừa xấu lại mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Câu chuyện về một người mẹ già cả đời vật lộn với cái đói lại nói với con về ngày mai tươi sáng.
Kết thúc buổi chuyên đề là hoạt cảnh “Vợ chồng A Phủ” nói lên khát vọng tự do và quá trình đến với cách mạng của bao người dân nghèo vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc.
Tiếp nhận văn học là hoạt động chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của tác phẩm văn học, bắt đầu từ sự cảm thụ văn bản ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, tư tưởng, cảm hứng, quan niệm nghệ thuật, tài nghệ tác giả cho đến sản phẩm sau khi đọc: cách hiểu, ấn tượng trong trí nhớ, ảnh hưởng trong hoạt động sáng tạo, bản dịch, chuyển thể,.. Mục đích hướng tới của chuyên đề còn là gắn học với hành, học tập theo hướng trải nghiệm để tạo cho học sinh phương pháp học tập và thấy hứng thú hơn khi học môn văn.
Một số hình ảnh của buổi chuyên đề: